Mục lục
Hiểu rõ các loại sở hữu trí tuệ và sự khác nhau giữa các loại sở hữu trí tuệ rất quan trọng cho việc bảo vệ cửa hàng của bạn và nắm được quyền lợi của bên thứ ba.
Sở hữu trí tuệ (Intellectual Property – IP) là một loại tài sản mà người sáng tạo hoặc người tạo ra nó có những quyền sở hữu nhất định. Các tài sản có thể có nhiều loại sở hữu trí tuệ cùng một lúc và sở hữu trí tuệ mới có thể được tạo ra ngay cả khi nó được tạo ra trên các sở hữu trí tuệ khác. Đây là một lĩnh vực phức tạp, nhưng mỗi người bán hàng đều nên hiểu rõ để vừa có thể bảo vệ tài sản, sản phẩm của mình vừa tôn trọng thành quả sáng tạo của người khác. Bạn có trách nhiệm biết và tuân thủ các quyền sở hữu trí tuệ áp dụng cho các sản phẩm và cửa hàng của bạn.
1. Sở hữu trí tuệ là gì?
Hiểu rõ sự khác nhau giữa các loại Sở hữu trí tuệ (IP) là một việc quan trọng để bảo vệ cửa hàng của bạn và nắm rõ quyền lợi của các bên thứ ba.

Những loại sở hữu trí tuệ khác nhau như là bản quyền, nhãn hiệu và bằng sáng chế được sử dụng hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, không khó để phân biệt chúng khi bạn đã tìm hiểu ý nghĩa của từng loại. Một sản phẩm có thể có nhiều loại sở hữu trí tuệ. Dưới đây là một cách đơn giản để ghi nhớ sự khác biệt.
Nếu bạn lấy một cây bút và vẽ thứ gì đó, đó là tác phẩm có quyền tác giả và ngay lập tức được bảo vệ bản quyền (copyright). Logo trên bút thường là nhãn hiệu (trademark) – thương hiệu hoặc công ty sản xuất ra cây bút. Nếu vẻ ngoài của chiếc bút trông độc đáo, nó cũng có thể được bảo vệ “nhận diện thương mại” (trade dress – hình ảnh thương mại tổng thể của một sản phẩm để xác định nguồn gốc của nó) vì một lý do tương tự. Mực trong chiếc bút có thể đã được tạo ra bằng cách sử dụng một phát minh được cấp bằng sáng chế (patent).
Bạn có thể tìm hiểu thêm những thông tin khái quát về cách Etsy giải quyết các vấn đề về Sở hữu trí tuệ trong Chính Sách Sở Hữu Trí Tuệ của Etsy.
2. Các quyền sở hữu trí tuệ phổ biến
a. Bản quyền (Copyright)
Bản quyền giúp bảo vệ các tác phẩm, sản phẩm có “quyền tác giả” như sách, phim, âm nhạc hoặc các tác phẩm nghệ thuật khác. Bạn được bảo vệ bản quyền ngay sau khi bạn “hoàn tất” tác phẩm sáng tạo ở dạng hữu hình – ngay cả khi bạn chưa đăng ký bản quyền. Bản quyền có thể bị xâm phạm bằng hình thức cách sao chép một phần hoặc toàn bộ tác phẩm. Có rất nhiều quy định về thời hạn hiệu lực của bản quyền, nhưng thường là khoảng 100 năm kể từ khi được cấp phép.

Có một số biện pháp phổ biến để bảo vệ sản phẩm của bạn khỏi việc vi phạm luật bản quyền như quyền Sử dụng hợp lý – Fair Use (cho phép sử dụng tác phẩm có bản quyền của người khác mà không cần được phép trong một số trường hợp nhất định). Các quy định có thể khác nhau tùy theo từng quốc gia và rất phức tạp. Ví dụ, bạn không nên cho rằng việc sử dụng một tác phẩm nào đó là hợp pháp chỉ vì những người khác làm điều đó, tác phẩm có sẵn miễn phí để sử dụng hoặc vì chỉ sao chép một phần của tác phẩm.

Tuy nhiên, có thể một người nào đó sẽ khẳng định quyền lợi của họ đối với thứ mà bạn tin là được sử dụng hợp pháp. Ở Mỹ, bạn có thể tìm thấy thông tin về quy định Sử dụng hợp lý tại những nơi như Văn phòng Bản quyền Hoa Kỳ.

b. Nhãn hiệu (Trademarks)
Trademark hay còn gọi là Nhãn hiệu, là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Nhãn hiệu có thể là một từ, một hình ảnh hoặc thậm chí là màu sắc, mùi hương hoặc âm thanh được liên kết với nguồn gốc của sản phẩm hoặc dịch vụ. Thông thường, hành động được coi là xâm phạm quyền nhãn hiệu là khi dấu hiệu trên hàng hóa, bao bì trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được bảo hộ, gây ra sự nhầm lẫn về chủ sở hữu nhãn hiệu.

Tóm lại, quyền nhãn hiệu được bảo vệ ngay khi bạn sử dụng nó cho mục đích thương mại cho sản phẩm của bạn, và quyền của bạn đối với nhãn hiệu sẽ càng mạnh khi nhãn hiệu càng được sử dụng nhiều. Quyền này sẽ tồn tại với điều kiện nhãn hiệu tiếp tục được sử dụng và bảo vệ. Nếu chủ sở hữu nhãn hiệu không thực hiện hành động để bảo vệ quyền của họ, quyền lợi của họ sẽ mất dần đi.

Có những biện pháp để bảo vệ bạn khỏi việc vi phạm quyền nhãn hiệu của người khác, đặc biệt nếu không có sự nhầm lẫn giữa nhãn hiệu với nhau. Ngoài ra còn có các quyền Sử dụng hợp lý đối với các nhãn hiệu được bảo vệ, nhưng các quy định này thay đổi tùy theo quốc gia và khác với quy định Sử dụng hợp lý dành cho bản quyền.

c. Bằng sáng chế (Patents)
Bằng sáng chế dùng để bảo vệ những phát minh mới và chưa được công khai – thường dành cho một sản phẩm hoặc một quy trình. Xin cấp bằng sáng chế có thể rất tốn kém và việc đăng ký có thể sẽ kéo dài trong nhiều năm. Việc hiểu các quyền bảo hộ của bằng sáng chế có thể không dễ dàng, bao gồm đến việc hiểu các điều kiện bảo hộ của bằng sáng chế, thời điểm bằng sáng chế có hiệu lực và mối liên hệ với sản phẩm được bảo vệ. Ở Việt Nam, bằng sáng chế có hiệu lực 20 năm kể từ ngày cấp. Thông thường mọi người đều tham khảo ý kiến luật sư về những tranh chấp bằng sáng chế có thể xảy ra.
Có rất nhiều sự khác nhau về luật bằng sáng chế giữa các quốc gia. Không giống như việc cấp bản quyền hoặc nhãn hiệu, bạn có thể vi phạm quyền đối với bằng sáng chế của người khác ngay cả khi bạn không biết về bằng sáng chế đó. Ngoài ra, không giống như hầu hết các quyền sở hữu trí tuệ khác, không có quyền Sử dụng hợp lý áp dụng cho bằng sáng chế theo luật pháp Hoa Kỳ.
3. Điều gì xảy ra khi cửa hàng không tuân thủ Chính sách Sở hữu trí tuệ của Etsy?
Nếu cửa hàng của bạn bị cáo buộc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc nếu các sản phẩm của bạn có khả năng vi phạm vào quyền sở hữu trí tuệ của bên thứ ba, Etsy sẽ có cách xử lý dựa trên Điều khoản sử dụng, bao gồm Chính sách sở hữu trí tuệ được mô tả và giải thích trong bài viết của Etsy.
Ví dụ về cách Esty xử lý cửa hàng tái vi phạm chính sách: The Volières lamp

Các nghệ sĩ sáng tạo tôn trọng thành quả lao động của nhau là một việc cần thiết, chẳng hạn như bản quyền của bên thứ ba, cả trong và ngoài Etsy. Etsy luôn nỗ lực để đảm bảo các Điều khoản Sử dụng đều được tuân thủ. Trong trường hợp Etsy không thể phân định và giải quyết các vấn đề giữa cửa hàng và chủ sở hữu bản quyền, vấn đề sẽ được giải quyết thông qua việc đàm phán giữa hai bên – không phải bằng cách lách luật các chính sách của Etsy.
4. Etsy có thường xử lý các vấn đề về Sở hữu trí tuệ không?
Các vấn đề về Sở hữu trí tuệ của người bán hàng được Etsy giải quyết hàng ngày. Như đã nêu chi tiết trong Báo cáo minh bạch 2019, Etsy đã xử lý 33,920 yêu cầu gỡ bỏ do vi phạm bản quyền, xóa hoặc vô hiệu hóa quyền truy cập vào 470,533 sản phẩm từ 96,876 người bán. Etsy đã đóng cửa 13,906 cửa hàng do tái vi phạm – nhiều gấp đôi số lượng của năm trước.

Năm mươi tư phần trăm trong số các yêu cầu gỡ bỏ này tuân theo luật bản quyền. Đối với các khiếu nại về bản quyền này, người bán đã gửi thông báo phản đối DMCA (Digital Millennium Copyright Act) để phản đối khiếu nại về bản quyền đối với 4,7% sản phẩm bị yêu cầu gỡ bỏ. Hầu hết các yêu cầu gỡ bỏ còn lại (44%) đều tuân theo luật nhãn hiệu, không tuân theo quy trình thông báo phản đối DMCA. Một phần nhỏ yêu cầu gỡ bỏ liên quan đến các quyền Sở hữu trí tuệ khác như bằng sáng chế hoặc quyền thiết kế.
Chúng tôi đã từ chối 15,7% yêu cầu vào năm 2019 vì những lý do như Etsy không thể xác minh rằng người gửi yêu cầu gỡ bỏ được ủy quyền hành động thay mặt cho chủ sở hữu trí tuệ, hoặc không có đù minh chứng về quyền Sở hữu trí tuệ, hoặc các yêu cầu gỡ bỏ không tuân theo các chính sách của Etsy.
5. Làm thế nào để bảo vệ quyền Sở hữu trí tuệ của bạn?
Mặc dù Etsy không thể cung cấp lời khuyên pháp lý, người bán nên thực hiện một số bước quan trọng để bảo vệ việc kinh doanh của mình. Bạn có thể bắt đầu tìm hiểu các thông tin cơ bản về quy định bảo vệ các quyền Sở hữu trí tuệ trong Cẩm nang bán hàng của Etsy.
Join Group Cộng đồng Etsy Việt Nam: https://www.facebook.com/groups/congdongetsyvietnam
Nguồn: Etsy Seller Handbook
Biên dịch & bổ sung: Leon Group Vietnam